Thị trường căn hộ chững lại, đâu chỉ do tháng kiêng cữ

Sau hơn 1 năm bùng nổ, giao dịch phân khúc căn hộ tại thị trường TP. HCM đã chững lại trong hơn 1 tháng qua, trùng với thời điểm đang là tháng Ngâu (tháng 7 Âm lịch), vốn là tháng kiêng cữ. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp và chuyên gia, việc giao dịch thị trường chững lại không hẳn là do tháng Ngâu.

Một vòng quanh các dự án tại TP. HCM cho thấy, lượng giao dịch đã chùng xuống từ hơn một tháng nay. Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, một chủ đầu tư uy tín tại TP. HCM tiết lộ, trước đây, mỗi lần tổ chức sự kiện mở bán có khoảng từ 300 – 500 căn hộ được đặt chỗ và ký hợp đồng mua bán, thì trong 2 tháng vừa qua, lượng khách mua hàng ngày chỉ còn 20%.

Thị trường căn hộ chững lại, đâu chỉ do tháng kiêng cữ

Khi được phóng viên Đầu tư Bất động sản đặt câu hỏi có phải do nguyên nhân là thị trường đang bước vào tháng Ngâu khiến giao dịch sụt giảm hay không, vị này cho biết, không hẳn vậy. “Nguyên nhân chính vẫn là do tâm lý khách hàng hoang mang sau vụ lùm xùm về thế chấp dự án xảy ra tại The Harmona và sau đó là việc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM công bố danh sách 77 dự án căn hộ đã bán thế chấp ngân hàng. Những thông tin trên khiến tâm lý của người mua xuống thấp”, vị này cho biết.

Khảo sát của Đầu tư Bất động sản cũng cho thấy, đúng là tâm lý khách hàng lo sợ về việc dự án bị thế chấp ngân hàng nên ngân ngại xuống tiền hơn là kiêng cữ mua nhà trong tháng Ngâu.

Chị Mai Thanh, người đang tìm mua căn hộ tại quận 7, TP. HCM cho biết: “Không biết đường nào mà lần, ngay cả chủ đầu tư uy tín cũng có tên trong danh sách cầm cố dự án, còn các chủ đầu tư không có thương hiệu, tên tuổi, không biết thế nào. Vừa rồi Thành phố nói sẽ tiếp tục công khai thêm các dự án nữa, nên gia đình đành chờ thêm thông tin”.

Đây là tâm lý chung của nhiều khách hàng đang có nhu cầu mua nhà khác và nó ảnh hưởng lớn đến kế hoạch mở bán của các chủ đầu tư.

Theo tìm hiểu của Đầu tư Bất động sản, một số dự án chưa có tên trong danh sách đang thế chấp tại ngân hàng vừa công bố, chủ đầu tư cũng đã phải hoãn kế hoạch bung hàng khi không biết mình có nằm trong danh sách đợt công bố tiếp theo không. Theo doanh nghiệp này, việc cầm cố dự án là điều bình thường khi đầu tư, kinh doanh bất động sản, nhưng Sở Tài nguyên và Môi trường nên công bố sớm hết các dự án và công bố một cách đầy đủ. Chứ còn công bố theo kiểu nửa vời và nửa chừng thông tin như hiện này khiến doanh nghiệp còn biết đường để tính, chứ tình trạng “chờ” như hiện nay thì khó lại chồng khó. Ngoài ra, việc công bố thông tin như hiện nay sẽ làm mất niềm tin vào thị trường của khách hàng.

Xét về tổng quan, thị trường căn hộ tại TP.HCM chùng xuống thời gian qua còn một nguyên nhân nữa, là do các dự án được bung hàng thời gian qua chủ yếu là dự án chung cư cao cấp, trong khi nhu cầu hiện nay phần lớn là phân khúc trung cấp và bình dân.

Anh Hải, một môi giới bất động sản tại quận 3 cho biết: “Các dự án xung quanh khu vực đang bán giá cao, từ 35 – 50 triệu đồng/m2, trong khi dự án còn đang xây, nhiều căn hộ đã vào ở từ 3 – 8 năm chỉ cần bán giá thấp hơn từ 1 – 2 triệu đồng/m2 so với mặt bằng chung sẽ có người mua ngay. Tháng Ngâu cũng không ảnh hưởng gì, môi giới lẻ như tôi vẫn có thu nhập đều đều”.

Có cùng đánh giá như trên, ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Lê Thành cho biết, việc kiêng cữ giao dịch trong tháng Ngâu chỉ trong quan niệm của một số người, còn cơ bản mọi giao dịch vẫn diễn ra bình thường. Chẳng hạn, căn hộ tại Chung cư Tân Tạo vẫn đang giao dịch khá tốt.

“Dự án bán hàng tốt vì sắp bàn giao nhà (chậm nhất trong quý I/2017, có thể sẽ giao nhà sớm vào tháng 12/2016), trong khi lượng hàng có hạn, nên khách hàng không mua sớm thì lượng căn hộ không còn nhiều để lựa chọn”, ông Nghĩa lý giải và cho biết, người mua nhà tại dự án này đóng trước 72 triệu đồng được ký hợp đồng, mỗi tháng tiếp theo sẽ đóng 6,6 – 7,7 triệu đồng.

Theo Đầu tư Bất động sản